Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

01/06/2024
2060 lượt xem
5/5 - (2)
Chia sẻ qua
Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Doanh nghiệp ngày nay thường phải xử lý bảng biểu cùng với dữ liệu phức tạp trong Google Sheets. Vì vậy, việc xử lý và phân tách thông tin hiệu quả chính là chìa khóa để đưa ra những phân tích chính xác cũng như quyết định sáng suốt. Và một trong số những công cụ đắc lực có thể hỗ trợ người dùng làm điều này đó chính là hàm SPLIT. Hãy cùng GCSVN khám phá sức mạnh của hàm SPLIT trong Google Sheets ngay.

Hàm SPLIT trong Google Sheets là gì?

Về cơ bản, hàm SPLIT là một công cụ mạnh mẽ trong Google Sheets, hỗ trợ người dùng”chia nhỏ” hay phân tách một chuỗi văn bản thành nhiều phần riêng biệt khác nhau. Quá trình này sẽ được thực hiện dựa trên một ký tự hoặc một chuỗi kí tự mà người dùng chọn, còn được gọi là phân cách.

*Ví dụ: bạn có thể tách tên đầy đủ của mình thành 2 phần riêng biệt: Họ và Tên bằng cách sử dụng dấu phân cách chính là khoảng trắng.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Sau khi phân tách, mỗi phần của chuỗi ký tự văn bản ban đầu sẽ được đặt trong một ô riêng biệt trong cùng một hàng. Nó có thể tách dữ liệu thành nhiều cột trong Google Sheets. Cách này sẽ hỗ trợ người dùng có thể dễ dàng xử lý từng phần riêng lẻ, áp dụng các công thức khác lên các phần đó hoặc trích xuất thành các thông tin cụ thể, chi tiết.

Hàm SPLIT sẽ đặc biệt có ích trong trường hợp doanh nghiệp làm việc với dữ liệu phức tạp như danh sách tên, địa chỉ, ngày tháng, danh sách quản lý đồ dùng trong kho.. Bằng cách phân tách thành các dữ liệu trong phần nhỏ hơn, người dùng có thể dễ dàng sắp xếp cũng như lọc và tìm kiếm, phân tích thông tin một cách hiệu quả nhất.

Để bạn có thể hình dung dễ hơn, dưới đây là ví dụ về phân tách của hàm SPLIT”

– Chuỗi văn bản: “Họ và tên: Lê Văn B, Ngày sinh: 14/06/2021, Địa chỉ: Hải Phòng”

– Dấu phân cách: “, ” (Dấu phẩy và khoảng trắng)

– Kết quả sau khi được phân tách:

+ Ô 1: “Họ và tên: Lê Văn B”

+ Ô 2: “Ngày sinh: 14/06/2021”

+ Ô 3: “Địa chỉ: Hải Phòng”

Qua ví dụ trên, mọi người có thể thấy hàm SPLIT giúp biến một chuỗi dữ liệu phức tạp thành các phần thông tin dễ dàng quản lý cũng như sử dụng hơn.

Cú pháp của hàm SPLIT trong Google Sheets

Cú pháp của hàm SPLIT trong Google Sheets cũng không quá phức tạp. Nó sẽ bao gồm 3 phần chính, trong 2 phần bắt buộc và 1 phần tùy chọn theo ý của người dùng:

=SPLIT(văn bản, dấu phân cách, [bỏ qua các ô trống])

Trong đó:

– văn bản (thành phần bắt buộc): gồm chuỗi văn bản mà bạn muốn phân tách hoặc chia nhỏ ra. Nó có thể là một chuỗi ký tự trực tiếp có trong công thức hoặc một tham chiếu đến ô chứa chuỗi văn bản đó.

– dấu phân cách (thành phần bắt buộc): gồm ký tự hoặc chuỗi ký tự được sử dụng để xác định được vị trí chia nhỏ chuỗi văn bản. Ví dụ: Nếu bạn muốn tách họ và tên, bạn có thể sử dụng dấu phân cách là khoảng trắng (“ “).

– bỏ qua các ô trống (thành phần tùy chọn): là một tham số logic (TRUE hoặc FALSE). Nếu bạn đặt là TRUE, hàm SPLIT sẽ bỏ qua các ô trống (hay còn gọi là các phần từ rỗng) trong kết quả sau khi được chia tách. Nếu đặt là FALSE (hoặc bạn bỏ qua tham số này), hàm SPLIT sẽ giữa lại các ô trống trong kết quả.

Mẫu 1: =SPLIT(“Lê Văn B”, “ ”)

Công thức trong ví dụ trên sẽ chia chuỗi văn bản “Lê Văn B” thành ba thành tố riêng biệt là “Lê”, “Văn” và “B”. Trong đó sẽ sử dụng khoảng trắng để làm dấu phân cách.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Mẫu 2: =SPLIT(“14/06/2021”, “/”, TRUE)

Công thức 2 sẽ chia chuỗi văn bản số “14/06/2021” thành ba phần tử riêng biệt là “14, “06 và “2021”. Trong đó cú pháp sử dụng dấu gạch chéo (/) để làm dấu phân cách và bỏ qua các ô trống.

Trong ví dụ này, chuỗi văn bản số “14/06/2021” tham chiếu đến ô A2, nên công thức sẽ rút gọn ở dạng:

=SPLIT(A2, “/”, TRUE)

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Cách dùng hàm SPLIT trong Google Sheets

Để giúp bạn có thể thành thạo hàm công thức trên, sau đây GCS Vietnam sẽ hướng dẫn chi tiết về hàm SPLIT trong Google Sheets:

Cách 1: Sử dụng Cú pháp công thức hàm SPLIT

– Bước 1: Trước hết, bạn cần xác định được các ô hoặc vùng chứa các chuỗi văn bản mà bạn muốn phân tách ra thành các phần nhỏ. Ví dụ, bạn có danh sách họ tên trong cột A, bạn muốn tách họ và tên ra thành cột riêng biệt ở ô khác nhau.

– Bước 2: Nhập cú pháp hàm SPLIT

Chọn ô mà bạn muốn hiển thị kết quả sau khi tách thành công. Sau đó nhập cú pháp hàm SPLIT như sau:

=SPLIT(văn bản, dấu phân cách, [bỏ qua các ô trống])

Trong đó:

  •  văn bản: Bạn nhập trực tiếp chuỗi văn bản cần tách hoặc có thể sử dụng cách nhanh hơn là tham chiếu đến ô chứa chuỗi văn bản đó (Ví dụ: A3)
  • dấu phân cách: Bạn cần nhập ký tự hoặc chuỗi ký tự được sử dụng trong chuỗi văn bản để phân tách (Ví dụ: “ “, “,”, “/”,…). Lưu ý rằng nếu người dùng không nhập dấu phân cách, hàm SPLIT sẽ tự hiểu và mặc định dấu phân cách chính là khoảng trắng.
  •  bỏ qua các ô trống: nhập TRUE nếu bạn muốn bỏ qua các ô trống sau khi tách, hoặc FALSE (hoặc không cần nhập tham số này) nếu bạn muốn giữ lại, không thay đổi các ô trống.

– Bước 3: Nhấn Enter để hoàn thành và xem kết quả

Sau khi hoàn thành xong công thức, bạn nhấn Enter để xem kết quả phân tách được hiển thị trong cột và ô được chọn. Kết quả sẽ được hiển thị dưới dạng mảng các giá trị, mỗi giá trị cũng sẽ nằm trong một ô riêng biệt.

Ngoài ra, nếu bạn muốn áp dụng công thức tương tự đối với các hàng khác có cấu trúc tương tự trong bảng, bạn chỉ cần kéo công thức xuống các hàng khác, nó sẽ tự động cập nhật kết quả theo từng hàng.

*Ví dụ thực hành cụ thể: Giả sử bạn có chuỗi văn bản “Lê Văn B” trong ô A3 và sau đó bạn muốn tách thành “Lê”, “Văn” và “B”:

– Bước 1: Chọn ô B2 (ô hiển thị kết quả)

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

– Bước 2: Bạn nhập công thức dựa theo hướng dẫn =SPLIT(A3, “ ”)

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

– Bước 3: Nhấn Enter và bạn sẽ xem được kết quả hiển thị trong ô B3, C3 và D3.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Cách 2: Dùng hàm SPLIT Google Sheets bằng menu Data

Bên cạnh cách sử dụng cú pháp của hàm, Google Sheets còn cung cấp thêm một cách tiện lợi để tách dữ liệu từ một ô thành nhiều ô bằng cách sử dụng Menu Data (Dữ liệu) kết hợp với hàm SPLIT. Sau đây là các bước hướng dẫn chi tiết:

– Bước 1: Xác định ô chứa dữ liệu mà bạn muốn tách. Ví dụ: ô A2 chứa dữ liệu “Nguyễn Văn Linh, 26 tuổi, Hà Nội”

Tiếp theo bạn xác định thêm ký tự hoặc chuỗi ký tự được dùng trong văn bản để phân tách dữ liệu. Trong ví dụ trên, dấu phẩy (,) là ký tự phân tách.

– Bước 2: Bôi đen ô A2 – ô chứa dữ liệu mà bạn muốn tách.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

– Bước 3: Chọn menu Data trên thanh công cụ > Sau đó chọn tiếp Split text to columns (Tách văn bản thành cột)

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

– Bước 4: Màn hình sẽ hiện ra giao diện Chọn ký tự phân tách. Bạn chọn dấu phẩy (Comma). Sau đó nhấn “OK”.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

– Bước 5: Dữ liệu nguyên bản trong ô A2 sẽ được tách ra các ô riêng biệt theo dấu phẩy.

Kết quả là:

  • Ô A2: Nguyễn Văn Linh
  • Ô B2: 26 tuổi
  • Ô C2: Hà Nội

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Khi nào nên sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets?

Hàm SPLIT là một công cụ mạnh mẽ, đa nhiệm, hữu ích trong những trường hợp người dùng có những dữ kiện phức tạp. Sau đây GCS Vietnam sẽ chỉ ra một số tình huống cụ thể để người dùng có thể ứng dụng hàm SPLIT trong Google Sheets:

Dữ liệu của người dùng có cấu trúc rõ ràng

Hàm SPLIT hoạt động hiệu quả nhất khi dữ liệu của bạn được phân tách ra bằng một ký tự hoặc chuỗi ký tự nhất quán. Ví dụ, một danh sách tên sẽ được phân tách bằng dấu phẩy (,) hoặc một danh sách chuỗi dữ liệu tài liệu tham khảo, danh sách các địa chỉ dài được phân tách bằng dấu gạch ngang (-).

Trích xuất một phần cụ thể của dữ liệu

Trong trường hợp người dùng chỉ quan tâm đến một phần nhất định của chuỗi văn bản, hàm SPLIT có thể hỗ trợ bạn tách riêng phần đó để dễ dàng xử lý, phân tích nhanh chóng cũng như dễ quản lý hơn.

*Ví dụ: bạn có thể tách tên người dùng từ danh sách địa chỉ Email hoặc tách các mã sản phẩm từ một chuỗi mô tả sản phẩm.

Chuyển đổi dữ liệu từ một cột, hàng thành nhiều cột, hàng

Nếu dữ liệu của người dùng nằm trong một cột, nhưng người dùng vẫn muốn chia thành nhiều cột và hàng để đơn giản hóa cũng như dễ quan sát hơn, hàm SPLIT chính là giải pháp giúp giải quyết việc này một cách nhanh chóng.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau

Nếu người dùng tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và muốn kết hợp các thông tin lại, sắp xếp một cách gọn gàng, hàm SPLIT có thể hỗ trợ người dùng tách dữ liệu có sẵn thành các phần riêng biệt để sau đó có thể kết hợp lại theo cách mà bạn muốn.

Làm sạch, tinh gọn dữ liệu

Hàm SPLIT trong Google Sheets còn có thể ứng dụng trong trường hợp người dùng muốn loại bỏ các ký tự không phù hợp trong dữ liệu hoặc mong muốn định dạng lại dữ liệu để phù hợp hơn với yêu cầu của người dùng. Ví dụ, bạn có thể loại bỏ những khoảng trắng thừa hoặc tách các phần của một ngày tháng tránh bị dài và phức tạp khi tổng hợp thông tin.

Ưu điểm, nhược điểm của hàm SPLIT

Tiếp đến, chúng ta cùng đến với những ưu điểm và hạn chế của hàm SPLIT trong Google Sheets. Dù mang lại nhiều lợi ích, hàm SPLIT cũng đi kèm một số nhược điểm nhất. Bằng cách hiểu rõ được những điểm mạnh và yếu của hàm này, người dùng có thể ứng dụng nó theo cách hiệu quả hơn.

Ưu điểm Nhược điểm
Dễ làm quen và sử dụng: Cú pháp của SPLIT khá đơn giản và cũng dễ để áp dụng. Chỉ cần cung cấp chuỗi văn bản cần tách cũng như là dấu phân cách cần thiết, hàm sẽ tự động thực hiện các phần còn lại. Giới hạn sử dụng dấu phân cách trong 1 lần: Hàm SPLIt chỉ cho phép người sử dụng một dấu phân cách duy nhất trong 1 lần nhập để tách chuỗi. Nếu dữ liệu có nhiều loại dấu phân cách khác nhau, bạn cần sử dụng hàm REGEXEXTRACT.
Linh hoạt xử lý dữ liệu: ưu điểm thứ 2 này hỗ trợ sử dụng nhiều loại dấu phân cách khác nhau như dấu phẩy, dấm chấm, tab, khoảng khắng hoặc thậm chí là các chuỗi ký tự bất kỳ. Khó xử lý các dữ liệu phức tạp: Trong trường hợp bạn cung cấp dữ liệu phức tạp, không có quy tắc nhất định, hàm SPLIT sẽ khó xử lý, không mang lại kết quả mong muốn.
Hiệu quả, nhanh chóng: Dữ liệu sau khi được hàm SPLIT xử lý có độ chính xác cao, nhanh chóng dù bạn cung cấp lượng lớn dữ liệu. Có thể tạo ra nhiều ô trống: Nếu chuỗi văn bản có nhiều dấu phân cách liên tiếp, kết quả trả về sẽ chứa nhiều ô trống, gây cản trở trong việc xử lý, phân tích dữ liệu.
Kết hợp với các hàm khác: Kết quả sau khi tách bởi hàm SPLIT là một mảng các giá trị. Người dùng có thể kết hợp các hàm này với những hàm khác như INDEX, VLOOKUP, QUERY để trích xuất cũng như tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn. Không xử lý được dữ liệu không có cấu trúc phân cách rõ ràng: Hàm SPLIT chỉ hoạt động tốt khi có cấu trúc dữ liệu rõ ràng, được phân tách bằng dấu ký tự.
Tối ưu thời gian: So với việc ngồi tách dữ liệu theo cách thủ công, bạn sẽ tối ưu được thời gian khi giải quyết dữ liệu nhanh chóng trong vài giây chỉ bằng cú pháp của hàm SPLIT
Đa dạng trong ứng dụng: Hàm SPLIT có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như tách họ và tên, ngày tháng năm, danh sách địa chỉ, tách URL..

Sử dụng SPLIT kết hợp với các hàm khác

Để mở rộng khả năng ứng dụng của hàm SPLIT, bạn có thể kết hợp với các hàm khác trong Google Sheets, hỗ trợ người dùng thực hiện được những thao tác xử lý dữ liệu phức tạp một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Sau đây là một số ví dụ về cách kết hợp SPLIT với các hàm khác trong Google Sheets để người dùng tham khảo.

INDEX & SPLIT

Hàm này sẽ hỗ trợ người dùng trích xuất các phần tử cụ thể. Hàm SPLIT sẽ tách chuỗi trong 1 ô giá trị bất kỳ bạn chọn thành các phần tử, sau đó hàm INDEX sẽ lấy ra phần tử thứ N trong mảng giá trị kết quả đó.

*Công thức: 

=INDEX(SPLIT(A2, “ ”), N)

Trong đó A2 là ô giá trị bất kỳ, N là phần tử thứ N trong mảng giá trị.

*Ví dụ: =INDEX(SPLIT(“Lê Văn B”, “ ”), 2) sẽ trả về chữ “Văn”.

Nếu văn bản “Lê Văn B” ở ô A2, ta sẽ có hàm: =INDEX(SPLIT(A2, “ ”), 2).

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

JOIN & SPLIT

Sự kết hợp 2 hàm này sẽ ghép các phần tử đã thành chuỗi phần tử mới. Cách thức hoạt động như sau: Hàm SPLIT sẽ tách chuỗi trong ô giá trị bất kỳ mà bạn chọn thành các phần tử, sau đó hàm JOIN sẽ tiếp tục ghép các phần tử đó thành một chuỗi mới cùng dấu phân cách mới.

*Công thức: 

=JOIN(dấu_phân_cách_mới, SPLIT(A3, dấu_phân_cách_cũ))

*Ví dụ: =JOIN(“,”, SPLIT(“Lê Văn Quang”, ” “)) sẽ trả về “Lê, Văn, Quang”. Trong trường hợp dưới đây, văn bản “Lê Văn Quang” được tham chiếu đến ô A2, nên ta có hàm sau:

=JOIN(“,”, SPLIT(A2, ” “))

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

ARRAYFORMULA & SPLIT

Người dùng có thể kết hợp hàm ARRAYFORMULA và hàm SPLIT để tối ưu thời gian kéo công thức vào nhiều ô để áp dụng tách các phần tử. Hàm ARRAYFORMULA sẽ cho phép áp dụng hàm SPLIT trong phạm các ô mà bạn khoanh vùng thay vì chỉ một ô.

*Công thức: 

=ARRAYFORMULA(SPLIT(A2:A6, ” “))

Trong đó A2:A6 là ví dụ phạm vi ô mà công thức áp dụng.

*Ví dụ: Nếu người dùng có danh sách họ và tên trong các ô từ A2 đến A6, công thức trên sẽ áp dụng tách các tên thành các phần riêng biệt trong tất cả các ô đó.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

FILTER & SPLIT

Trong trường hợp người dùng muốn lọc các phần tử đã tách theo điều kiện nhất định, đây chính là giải pháp. Sự kết hợp của hàm FILTER và hàm SPLIT sẽ tách chuỗi trong ô bất kỳ mà bạn chọn, sau đó hàm FILTER sẽ chỉ giữ lại các phần tử theo điều kiện đã đặt ra.

*Công thức:

=FILTER(SPLIT(A2, ” “), LEN(SPLIT(A2, ” “)) > 3)

Trong đó A2 là ô chứa chuỗi văn bản cần tách, “>3” là điều kiện cần lọc theo.

*Ví dụ: =FILTER(SPLIT(“Lê Vương Nhật Quang”, ” “), LEN(SPLIT(“Lê Vương Nhật Quang”, ” “)) > 3) sẽ trả về kết quả là “Vương”. “Nhật”, “Quang”. Các từ có độ dài số chữ lớn hơn 3.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

TRANSPOSE & SPLIT

Sự kết hợp của 2 hàm này sẽ giúp các phần tử được sắp xếp lại theo hàng ngang hoặc theo cột dọc tùy theo ý muốn của bạn. Cách thức hoạt động như sau: Hàm SPLIT tách chuỗi trong ô bất kỳ sau đó hàm TRANSPOSE sẽ chuyển đổi các phần tử từ một hàng thành một cột hoặc ngược lại.

*Công thức:

=TRANSPOSE(SPLIT(A8, “, “))

Trong đó A8 là ô bất kỳ, ” ” là dấu phân cách.

Với các cách kết hợp linh hoạt này, hàm SPLIT sẽ không chỉ là công cụ đơn thuần để tách chuỗi, mà còn trở thành phần quan trọng để hỗ trợ người dùng xử lý các bảng dữ liệu hiệu quả hơn trong Google Sheets.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

SUBSTITUTE & SPLIT

Sự kết hợp giữ hàm SUBSTITUTE và SPLIT trong Google Sheets sẽ hỗ trợ người dùng xử lý và tách chuỗi văn bản một cách hiệu quả và linh hoạt hơn. Ngoài ra bạn có thể sử dụng 2 hàm này để tách đường link URL nhanh chóng.

Cách thức hoạt động như sau: Đầu tiên, hàm SUBSTITUTE sẽ tìm kiếm và thay thế tất cả các phần mà bạn chọn bằng phần văn bản mới. Kết quả trả về sẽ là chuỗi mới đã được chỉnh sửa xing. Tiếp theo, hàm SPLIT sẽ nhận kết quả chuỗi mới này và tách nó thành các thành tố riêng dựa trên ký tự phân tách mà bạn chọn. Kết quả sẽ là một mảng các văn bản đã được tách.

*Công thức:

=SPLIT(SUBSTITUTE(text_to_search, old_text, new_text), delimiter)

Trong đó:

– text_to_search: là chuỗi văn bản gốc có chứa dữ liệu mà bạn muốn tách

– old_text: Phần văn bản mà bạn muốn thay thế trong chuỗi text_to_search

– new_text: ghi phần văn bản mới mà bạn sẽ thay thế vào phần old_text.

– delimiter: ký tự hoặc chuỗi ký tự dùng để phân tách chuỗi sau khi thay thế.

*Ví dụ 1: Giả sử bạn nhập vào A2 chuỗi văn bản: “xanh-đen-tím-vàng” và muốn thay thế cũng như tách các màu này vào các ô riêng biệt. Công thức như sau:

=SPLIT(SUBSTITUTE(A2, “-“, “,”), “,”)

Công thức này sẽ được thực hiện như sau:

– Thay thế tất cả các dấu gạch ngang (-) thành các dấu phẩy (,) trong chuỗi văn bản “xanh-đen-tím-vàng”, kết quả trả về sẽ là “xanh, đen, tím, vàng”.

– Tách chuỗi ““xanh, đen, tím, vàng” thành các phần tử riêng dựa trên dấu phẩy (,). Kết quả là {“xanh”, “đen”, “tím”, “vàng”}

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

*Ví dụ 2: Giả sử bạn có một bảng nhập các đường link URL vào cột A và bạn muốn tách tên miền sang cột B. Bạn có thể sử dụng công thức như sau:

=SPLIT(SUBSTITUTE(A4, “https://”, ” “), “/”)

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Công thức này sẽ được thực hiện như sau:

Trước hết, hàm SUBSTITUTE sẽ thực hiện xóa phần ở trước là http:// khỏi các đường link trong ô A4. Sau đó hàm SPLIT sẽ chịu trách nhiệm tách phần văn bản còn lại thành tên miền cũng như đường dẫn dựa trên dấu “/”.

VLOOKUP & SPLIT

Kết hợp hàm VLOOKUP và SPLIT trong Google Sheets hỗ trợ người dùng tìm kiếm cũng như trích xuất thông tin từ một chuỗi văn bản dữ liệu phức tạp dựa trên một giá trị văn bản khóa.

*Công thức:

=ARRAYFORMULA((VLOOKUP(SPLIT(chuỗi_dữ_liệu, dấu_phân_tách), phạm_vi_bảng, chỉ_số_cột, FALSE))

Trong đó:

– chuỗi_dữ_liệu: là ô chứa chuỗi dữ liệu mà bạn muốn tách và tìm kiếm giá trị khóa.

– dấu_phân_tách: ký tự hoặc chuỗi ký tự phân tách các giá trị khóa trong search_key.

– phạm_vi_bảng: là phạm vi bảng dữ liệu chứa giá trị khóa (cột đầu tiên) và giá trị cần trả về.

– chỉ_số_cột: là số thứ tự của cột chứa giá trị cần trả về (cột đầu tiên là 1).

– FALSE: đảm bảo tìm kiếm chính xác.

Cách thức hoạt động như sau:

Trước tiên, hàm SPLIT sẽ tách chuỗi văn bản thành các giá trị khóa riêng biệt dựa trên ký tự phân tách. Sau đó, hàm VLOOKUP sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm từng giá trị khóa trong phạm vi bảng dữ liệu được cho phép và trả về giá trị tương ứng từ cột được chỉ định bởi index.

Tiếp theo, hàm ARRAYFORMULA sẽ áp dụng hàm VLOOKUP cho tất cả các giá trị khóa ở trên được tách ra và trả về kết quả.

*Ví dụ: Giả sử bạn đang có bảng chứa mã sản phẩm và tên sản phẩm tương ứng như sau:

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Sau đó, bạn sang một bảng khác. Bạn nhập ô D6 gồm có 2 mã sản phẩm là “SP01, SP03” và muốn tìm kiếm tên sản phẩm tương ứng với 2 mã này và tách ra. Bạn có thể sử dụng công thức như sau:

=ARRAYFORMULA((VLOOKUP(SPLIT(D6, “, “), A:B, 2, FALSE))

Kết quả trả về sẽ là 2 tên sản phẩm: áo thun (ô E6), giày thể thao (ô F6).

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Các lưu ý khi sử dụng hàm SPLIT

Để sử dụng hàm SPLIT hiệu quả và tránh được các lỗi không mong muốn, bạn cần lưu ý một số điều quan trọng sau:

1. Giới hạn về số lượng phần tử

Hàm SPLIT sẽ chỉ trả về tối đa 50.000 phần tử. Nếu chuỗi văn bản mà bạn nhập vào quá dài và chứa nhiều dấu phân cách, màn hình sẽ có thể xuất hiện lỗi hoặc kết quả bị gián đoạn.

Trong trường hợp này, cách giải quyết đó là bạn nên xem xét chia nhỏ chuỗi văn bản thành các phần nhỏ hơn trước khi sử dụng hàm SPLIT.

2. Sử dụng dấu phân cách phù hợp

Chọn dấu phân cách phù hợp với cấu trúc dữ liệu của người dùng. Nếu dữ liệu của người dùng không có cấu trúc rõ ràng, bạn có thể tham khảo sử dụng hàm REGEXEXTRACT hoặc hàm QUERY để tách chuỗi dành cho các mẫu dữ liệu phức tạp hơn.

3. Kiểm tra lại kết quả

Sau khi đã thực hiện tách thành công các dữ liệu, người dùng cần cẩn thận kiểm tra lại kết quả sau khi sử dụng hàm SPLIT để đảm bảo được độ chính xác, định dạng đúng như mong muốn và đầy đủ thông tin dữ liệu. So sánh kết quả với các dữ liệu gốc và kiểm tra xem có bất kỳ lỗi nào trong quá trình bạn tách chuỗi hay không.

4. Tham khảo kết hợp với các hàm khác

Thông thường, hàm SPLIT trong Google Sheets thường được sử dụng kết hợp với các hàm khác như INDEX, VLOOKUP, FILTER, SORT, JOIN, QUERY, ARRAYFORMULA… để gia tăng hiệu quả cũng như thực hiện các thao tác xử lý dữ liệu phức tạp hơn. Bạn có thể tham khảo cách sử dụng trong phần trên để tận dụng được tối đa sức mạnh của các hàm công thức trong Google Sheets.

5. Tham khảo thêm tài liệu hoặc nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia

Nếu người dùng gặp khó khăn hoặc muốn có thêm kiến thức về hàm SPLIT, bạn có thể tham khảo tài liệu hướng dẫn phù hợp của Google Sheets hoặc tham gia các hội nhóm, cộng đồng chuyên gia về hàm công thức trong Sheets.

Ngoài ra, nếu quý doanh nghiệp mong muốn hiểu thêm về Google Sheets cũng như các dịch vụ khác của Google, các bạn có thể liên hệ đến GCS Vietnam để được đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu về Google hướng dẫn và hỗ trợ.

Hướng dẫn cách sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets hiệu quả

Một số câu hỏi thường gặp về hàm SPLIT

1. Hàm SPLIT có giới hạn về số lượng ký tự tách không?

Hàm SPLIT không có giới hạn về số lượng ký tự tách. Bạn có thể sử dụng hàm để tách chuỗi văn bản dựa trên một ký tự phân cách rõ ràng. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, hàm SPLIT có giới hạn về số lượng phần tử trong kết quả trả về, tối đa là 50,000 phần tử. Nếu chuỗi văn bản quá dài và chứa nhiều dấu phân cách phức tạp, công thức có thể sẽ bị lỗi và không trả về được kết quả đúng như ý muốn.

2. Có hàm nào khác có thể thay thế SPLIT không?

Trong Google Sheets, có một số hàm cũng như phương pháp khác có thể thay thế hoặc kết hợp được với hàm SPLIT để tách chuỗi văn bản, phụ thuộc vào yêu cầu cũng như kết quả mong muốn của bạn:

  • Hàm REGEXEXTRACT: cho phép người dùng trích xuất các phần nhỏ của chuỗi văn bản dựa trên các biểu thức chính quy.
  • Hàm MID, LEFT, RIGHT: trích xuất một phần chuỗi văn dựa trên vị trí bắt đầu và độ dìa của chuỗi bạn cung cấp. Bạn có thể kết hợp với hàm FIND để xác định vị trí dấu phân cách và tách chuỗi theo cách thủ công hơn.

3. Hàm SPLIT có thể xử lý được các ký tự đặc biệt không?

Có bạn nhé. Bạn có thể sử dụng hàm SPLIT để tách các chuỗi ký tự đặc biệt bằng cách đặt những ký tự đó trong dấu ngoặc kép.

*Ví dụ: để tách chuỗi có sử dụng dấu sao (*) làm dấu phân cách trong hàng, bạn có thể nhập công thức sau đây: =SPLIT(“1789*678”, “*”)

4. Nếu chuỗi văn bản không chứa dấu phân cách thì sẽ như thế nào? 

Nếu chuỗi văn bản không chứa dấu phân cách thì hàm SPLIT sẽ trả về toàn bộ chuỗi đó trong một ô duy nhất và không tách được thành từng phần.

Lời kết

Hy vọng những kiến thức trên đây của GCS về hướng dẫn sử dụng hàm SPLIT trong Google Sheets sẽ giúp quý bạn đọc có thể thành thạo hàm công thức này và ứng dụng nó trong công việc xử lý dữ liệu. Để được giải đáp nhanh nhất về các dịch vụ Google Workspace, quý doanh nghiệp có thể liên hệ nhanh qua việc nhắn lại thông tin qua LiveChat để được tư vấn.

 

5/5 - (2)
Bài viết liên quan
0 0 Các bình chọn
Đánh giá
Đăng ký
Thông báo của
guest

0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Nhiều bình chọn nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận